Các siêu thành phố của Vĩnh Phúc đang dần xuất hiện

hinh_anh_do_thi_vinh_phuc

Không chỉ có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cái đích Vĩnh Phúc hướng đến năm 2045 là trở thành thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường; người dân có thu nhập, chất lượng cuộc sống cao, hạnh phúc; xã hội phát triển hài hòa; môi trường tự nhiên trong lành, đáng sống. Trên hành trình để đến được đích này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thành phố của Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Vóc dáng đô thị

Là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của tỉnh, thành phố của Vĩnh Phúc là Vĩnh Yên ngày càng có sự chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong năm 2021 khi 4 điểm nghẽn lớn là bồi thường giải phóng mặt bằng; xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng; chỉnh trang đô thị và cải cách hành chính được tháo gỡ, khơi thông, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đạt và vượt cao trong bối cảnh dịch bệnh.

Đặc biệt, với quyết tâm đạt các tiêu chí đô thị loại I, xứng tầm là 1 trong 3 thành phố của Việt Nam được Ngân hàng phát triển châu Á lựa chọn triển khai dự án “Thành phố xanh – tương lai đô thị bền vững của khu vực Đông Nam Á”, Vĩnh Yên đã đưa công tác quy hoạch đi trước một bước, tăng cường quản lý đầu tư xây dựng, ưu tiên nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các dự án, công trình trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến gần hơn tới đích đô thị xanh.

Ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Vĩnh Yên cho biết: Với 9 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gần 100 di tích lịch sử văn hóa và hội tụ nhiều yếu tố “thiên thời, địa lợi”, Vĩnh Yên có nhiều điều kiện thuận lợi trong xây dựng, phát triển đô thị. Ngay từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thành ủy, UBND thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Yên mang tầm chiến lược như: Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy về phát triển thành phố Vĩnh Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 19 của BCH Đảng bộ thành phố về việc nâng cao chất lượng đô thị Vĩnh Yên, giai đoạn 2016-2020…

Cùng với đó, tập trung làm tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, chỉnh trang đô thị, tạo điểm nhấn về không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, không gian xanh trong lòng đô thị thành phố từ các công trình, dự án lớn như: khu nghỉ dưỡng Sông Hồng thủ đô, công viên Quảng trường Hồ Chí Minh, nhà hát, hồ Đầm Vạc, hệ thống đường giao thông…Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1883 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với việc đầu tư bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, Vĩnh Yên ngày càng khẳng định rõ hơn vị trí, tầm quan trọng của đô thị lõi, đô thị trung tâm của thành phố Vĩnh Phúc tương lai. Hết năm 2021, thành phố cơ bản đạt các tiêu chí đánh giá phân loại đô thị loại I theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với 54/59 tiêu chí hoàn thành, trong đó có 44 tiêu chí về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan; thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 125 triệu đồng/người/năm.

thành phố của Vĩnh Yên
thành phố của Vĩnh Yên

Khu đô thị TMS Vĩnh Yên tạo dấu ấn mới cho đô thị Vĩnh Phúc

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, ngày 19/4/2021, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02 về xây dựng, phát triển đô thị Vĩnh Yên giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu trở hành đô thị loại I, đô thị xanh có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên và là nơi tất cả những người sống, làm việc, đến thăm đều cả thấy hạnh phúc.

Để đạt được mục tiêu này, giai đoạn tới, thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho thành phố trẻ năng động, hiện đại. Tăng cường lắp đặt hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí, tạo khung cảnh rực rỡ sắc màu vào buổi tối; vận động các cơ quan, đơn vị phá bỏ hàng rào cứng nhằm tạo không gian mở, thân thiện, tiến tới thay thế hệ thống bảo vệ bằng các camera và cảm biến giám sát. Đồng thời, tiếp tục cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, tránh ngập úng tại các khu vực; kêu gọi các nhà đầu tư phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm thương mại, dịch vụ; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, các bãi đỗ xe thông minh, cao tầng; triển khai xây dựng các dự án công viên, cây xanh…đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.

Với thành phố Phúc Yên, nhờ biết cách khai thác thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, 25 năm qua, thành phố không chỉ khẳng định là một trong những trung tâm sản xuất ô tô, xe máy lớn nhất cả nước mà còn là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn hàng đầu ở Việt Nam khi Flammingo Đại Lải lọt top 10 địa điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất thế giới từ năm 2014.

Hiện cùng với tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Phúc Yên luôn quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển đô thị, hướng đến xây dựng thành phố xanh. Tính từ năm 2016 đến nay, thành phố đã dành trên 100 tỷ đồng triển hơn 20 dự án chỉnh trang đô thị, trong đó có nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, dự án giao thông hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, đầu tư xây dựng không gian công cộng đô thị phục vụ sinh hoạt cho nhân dân như: khu quảng trường 31/12, sân vận động thành phố, nhà hát nhân dân, nhà thi đấu thể thao, nhà thiếu nhi thành phố…

Nhiều khu đô thị mới được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân và tạo cảnh quan đô thị hấp dẫn như: Khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu, khu đô thị TMS Lan – Hùng Vương, khu đô thị Nam Phúc Yên, khu đô thị Đầm Diệu. Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư đồng bộ; hệ thống giao thông, nhất là các tuyến tỉnh lộ 301, 308, 310, đường Nguyễn Tất Thành…được nâng cấp, mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương kinh tế của người dân. Riêng với công tác bảo vệ môi trường, triển khai Đề án tổng thể công tác bảo vệ môi trường gắn với Đề án phát triển thành phố giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2045, 5 năm qua, thành phố đã chi hơn 104 tỷ đồng cho công tác vệ sinh môi trường, thu gom xử lý gần 140.000 tấn rác thải sinh hoạt, đạt 95%; xây dựng nếp sống văn minh với nhiều tuyến phố, đoạn đường tự quản…

Không chỉ 2 thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên, để Vĩnh Phúc sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, 7 huyện còn lại cũng rất quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị theo Quy hoạch phát triển chung đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế nâng cao đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 25 năm qua, nhất là từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 15/15 đồ án phân khu tỷ lệ 1/2000, 3 đồ án quy hoạch xây dựng các vùng liên huyện phía Nam, phía Bắc, phía Tây đô thị Vĩnh Phúc trên cơ sở kết nối không gian, hạ tầng với quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc; 6 đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp; 20 đồ án quy hoạch chung các đô thị mới loại V, 46 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 chỉnh trang đô thị hiện hữu trong phạm vi đô thị Vĩnh Phúc; đầu tư trên 218.900 tỷ đồng cho xây dựng kết cấu hạ tầng. Mạng lưới đô thị được mở rộng lên 32 đô thị, vượt mục tiêu Nghị quyết 03 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng, phát triển và quản lý đô thị đề ra. Trong đó, thành phố Vĩnh Yên đạt đô thị loại II, thành phố Phúc Yên đạt đô thị loại III; 30 xã, thị trấn đạt đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 45%, tăng 12% so với năm 2015, cao hơn khoảng 5% so với bình quân cả nước và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 76 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, khu chức năng đô thị đã giao chủ đầu tư, trong đó có 72 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, diện tích trên 2.552 ha, tăng 14,2 triệu m2, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 250.000 người, đạt tỷ lệ 29,7 m2/người. Công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, nhà ở cho người nghèo được đẩy mạnh, với 35 dự án nhà ở xã hội đã giao chủ đầu tư, trong đó có 6 dự án đưa vào sử dụng, quy mô trên 1.400 căn; 3.066 hộ có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở, 493 hộ/1.381 hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ xây nhà ở.

Ông Lê Đức Thế, Trưởng phòng Quản lý nhà, phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết: Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác xây dựng, phát triển, quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc. Hệ thống đô thị ở Vĩnh Phúc tăng cả về số lượng, chất lượng, bước đầu đã hình thành mạng lưới đô thị kết nối, phát triển theo kế hoạch, không dàn trải. Tại khu vực đô thị, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới được xây dựng theo quy hoạch, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, có sự phát triển về chất lượng, đa dạng về kiểu dáng kiến trúc công trình, tạo nên môi trường sống tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao cảnh quan, không gian đô thị. Nhiều dự án đô thị như: Khu đô thị chùa Hà Tiên, khu chung cư Vinaconex Xuân Mai, khu nhà ở thu nhập thấp Bảo Quân, khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc, khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, khu nhà ở đô thị Quảng Lợi, khu dịch vụ và nhà ở sinh thái Đầm Vạc, khu đô thị mới Đồng Sơn, khu đô thị Hùng Vương – Tiền Châu…đã thu hút và đạt tỷ lệ lấp đầy cao ngay khi các dự án được hoàn thành.

Theo ông Thế, ngay trong năm 2021, thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Xây dựng đã triển khai điều chỉnh 3 đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Bắc, phía Nam và phía Tây đô thị Vĩnh Phúc; thiết kế 3 đồ án quy hoạch chung đô thị loại IV của các huyện: Tam Đảo, Vĩnh Tường, Bình Xuyên; lập 3 đồ án quy hoạch 1/2000 phát triển du lịch, dịch vụ gồm: Hồ Đồng Nhập, hồ Làng Hà, huyện Tam Đảo, khu vực xung quanh hồ Vân Trục, huyện Lập Thạch, hồ Bò Lạc, huyện Sông Lô. Đồng thời, trình UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ các đồ án quy hoạch 1/2000 phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp khu vực phía Nam hồ Thanh Lanh, huyện Bình Xuyên; khu vực phía Nam đường Vành đai 3, huyện Vĩnh Tường; khu vực hai bên đường tỉnh 301 và khu vực phía Đông Bắc hồ Đại Lải, thành phố Phúc Yên.

Nơi đáng sống và người dân có cuộc sống hạnh phúc

Từ năm 1997 đến nay, Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh và thực tế, không phải đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, những định hướng về “bảo đảm công tác an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường tự nhiêu trong lành, đáng sống” mới được đặt ra mà các nhiệm vụ này đã được tỉnh tập trung triển khai thực hiện ngay những năm đầu tái lập. Bởi Vĩnh Phúc luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển; các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển kinh tế đều là do con người và vì con người.

Tất cả những quan điểm, định hướng, mục tiêu, giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống đều thể hiện rõ trong các Văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng bộ, các Nghị quyết, Chỉ thị, Đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp trên các mặt, gồm: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao mức sống người dân; giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cộng cộng; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm. Bên cạnh đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội trong công tác giữ gìn bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống trong lành, xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhờ đó, sau 25 năm tái lập, Vĩnh Phúc đã tạo được những bứt phá mới, đưa kinh tế tăng trưởng liên tục, ổn định và bao trùm, bảo đảm cho người dân có điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo báo cáo của UBND tỉnh, từ năm 1997 đến nay, quy mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục nằm trong top dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng; GRDP bình quân đầu người tăng cao qua từng năm. Cụ thể, nếu năm 2005, GRDP bình quân đầu người mới đạt 14,7 triệu đồng/người/năm thì năm 2010 tăng lên 29,5 triệu đồng/người năm, năm 2015 là 72 triệu đồng/người, năm 2020 là105,5 triệu đồng/người. Riêng năm 2021, mặc dù chịu nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng GRDP bình quân đầu người vẫn đạt 114,3 triệu đồng/năm, cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 và cao hơn bình quân chung cả nước khoảng 30 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,44%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước.

Sức sống mới ở Liên Châu hiện diện trên những đường làng được trồng hoa cây cảnh

Kinh tế khởi sắc, hạ tầng cơ sở tốt, thương mại, dịch vụ phát triển, thu nhập tăng lên, người dân ngày càng có điều kiện tốt hơn để hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng. Tại các khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, khu công viên Bảo tàng, công viên 29/12, các khu du lịch nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên hay các siêu thị GO, Coopmart..những ngày này, nếu không do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp thì luôn đông kín người tới luyện tập thể dục, thể thao, du lịch, nghỉ dưỡng, mua sắm… tạo sức bật mới cho ngành du lịch, dịch vụ của tỉnh.

Thường xuyên rảo bước đi bộ rèn luyện sức khỏe quanh khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, bác Trần Văn Hải, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên cho biết, gia đình bác chuyển từ Việt Trì về Vĩnh Phúc sinh sống, công tác năm 1998. Nếu so sánh Vĩnh Phúc hôm nay với những ngày mới tái lập tỉnh thì bất kỳ người dân nào cũng đều tự hào và cảm thấy hạnh phúc vì được sinh sống, công tác, làm việc ở mảnh đất này.

Bởi không chỉ có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông thuận tiện, công nghiệp, dịch vụ phát triển, cả ở thành thị, nông thôn, nhà cao tầng mục lên san sát, nhiều khu vui chơi, giải trí, sân luyện tập thể dục thể thao được đầu tư xây dựng, Vĩnh Phúc còn có nhiều chính sách nhân văn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, trước hết. Đặc biệt, Vĩnh Phúc đã “không để ai bị bỏ lại phía sau”, sẵn sàng dang tay, thuê máy bay, hỗ trợ xe đưa đón các công dân từ vùng dịch trở về; hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thực hiện chi trả trợ cấp cho người trên 80 tuổi ở mức 476.000 đồng/tháng, cao gấp 2 lần mức quy định của Nhà nước…

Không chỉ ở thành phố, tại các vùng quê Yên Lạc, Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch, người dân cũng cảm thấy  tự hào với sự đổi thay nhanh chóng của quê hương. Chị Hà Thanh Hương, thôn Thụ Ích 1, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc cho biết: Ngày nay, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân ở quê không khác nhiều so với ở thành phố.

Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; duy trì và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, tiến hành trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tường ở tất cả các thôn, xã Liên Châu  nói riêng, các địa phương trên địa bàn tỉnh nói chung đã tạo dựng không gian sống mới, hội tụ được cả những nét đẹp truyền thống và hiện đại. Đây cũng là yếu tố cốt lõi để nông thôn ở Vĩnh Phúc mang bản sắc riêng và trở thành những miền quê đáng sống của mỗi người dân.

Còn theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả ở thành thị và nông thôn, phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh, tạo nhân tố cho thể thao thành tích cao có những bước tiến mới. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Hết năm 2021, toàn tỉnh có  91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đặt mục tiêu đến 2025 kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, các huyện: Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Tam Đảo cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại IV. Để đạt được các mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức nhân dân về vai trò, sự cần thiết công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến đô xây dựng quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc theo Luật Quy hoạch, trong đó tích hợp các quy hoạch chuyên ngành bảo đảm tính đồng bộ để thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả, thiết thực.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ các dự án, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Tăng cường quản lý kiến trúc, cảnh quan, đất đai, nhà ở đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khai thác hiệu quả các nguồn lực để xây dựng, phát triển hệ thống đô thị hoàn chỉnh theo kế hoạch phân loại đô thị quốc gia giai đoạn 2021 – 2030; quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, Chương trình tổng thể xây dựng, phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết số 04 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đầu tư tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025, làm tiền đề để nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 50%. Đặc biệt, triển khai thực hiện tốt Đề án và Nghị quyết về  nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tạo sự chuyển biến cơ bản về diện mạo, chất lượng đô thị, nông thôn, với trọng tâm là xây dựng đô thị Vĩnh Phúc xanh – sạch – đẹp – văn minh, là nơi đáng sống và mọi người dân đều cảm thấy hạnh phúc.

Nguồn tham khảo: vinhphuc.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *